Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến vai trò của Gia đình và khẳng định, quan tâm đến gia đình là đúng vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn, hạt nhân của xã hội là gia đình.
Ảnh minh họa: Tất Thắng
Gia đình là tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống, môi trường lưu giữ, giáo dục, trao truyền các giá trị văn hóa dân tộc cho các thành viên trong gia đình. Xây dựng Gia đình hạnh phúc chính là tạo nền tảng để xây dựng xã hội hạnh phúc, là vấn đề hết sức hệ trọng của dân tộc ta. Công tác xây dựng gia đình vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển bền vững đất nước.
Gia đình Việt Nam, với những giá trị tốt đẹp đã đóng góp to lớn cho sự phát triển của cả dân tộc, luôn là trụ cột và hạt nhân quan trọng trong xã hội. Ngày 28 tháng 6, được công nhận là Ngày Gia đình Việt Nam theo Quyết định số 72/2001/QĐ/TTg ngày 4/5/2001của Thủ tướng Chính phủ. Mục đích của ngày này là nâng cao trách nhiệm lãnh đạo của các cấp, ngành, tổ chức xã hội, cùng toàn thể các gia đình thường xuyên quan tâm về việc xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc, đồng thời đóng góp vào công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc [1].
Trải qua nhiều thế hệ, Gia đình Việt Nam được hình thành và phát triển với những chuẩn mực giá trị tốt đẹp góp phần xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Những giá trị truyền thống quý báu như lòng yêu nước, yêu quê hương, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, thủy chung, hiếu nghĩa, hiếu học, cần cù sáng tạo trong lao động, bất khuất, kiên cường vượt qua mọi khó khăn, thử thách đã được Gia đình Việt Nam giữ gìn, vun đắp và phát huy trong suốt quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước. Qua nhiều thời kỳ phát triển, cấu trúc và quan hệ trong gia đình Việt Nam có những thay đổi, hoàn thiện, với chức năng cơ bản của gia đình vẫn tồn tại và gia đình vẫn là một nhân tố quan trọng, không thể thiếu trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Ngày Gia đình Việt Nam là một sự kiện văn hóa lớn nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của Gia đình Việt Nam, là dịp để các Gia đình giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng gia đình văn hóa, hướng tới sự phát triển bền vững của gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đây cũng là ngày, mọi người trong Gia đình quan tâm đến nhau, xã hội quan tâm đến trẻ nhỏ và những người không có bố mẹ, cặp vợ chồng phải hiểu được giá trị mái ấm và cùng nhau vượt qua sóng gió để có một gia đình hạnh phúc.
Trong bối cảnh của thời đại số và phát triển kinh tế - xã hội, Gia đình Việt Nam cũng đối mặt với những thay đổi và thử thách đáng kể. Tuy nhiên, gia đình vẫn tiếp tục đóng vai trò hạt nhân của xã hội, trên hết là vai trò quan trọng như một nguồn động viên và sự ổn định tinh thần cho các thành viên. Gia đình không chỉ là nơi mang lại sự ấm áp, yêu thương và sự bền vững, mà còn là nền tảng giáo dục cơ bản để truyền đạt các giá trị truyền thống và tạo ra những thế hệ kế tiếp có nền tảng vững chắc để đóng góp vào sự phát triển của quốc gia, dân tộc. Chính trong những giai đoạn khó khăn nhất của yêu cầu cách ly, do đại dịch covid 19 trên toàn thế giới, Việt Nam, tỉnh Tuyên Quang, Gia đình Việt Nam là một mô hình vững mạnh hơn bất cứ đâu, nơi mà các truyền thống về lòng hiếu thảo, sự chăm sóc lẫn nhau và lòng thủy trung với gia đình được truyền tụng và duy trì. Gia đình Việt Nam không chỉ là một tế bào nhỏ trong xã hội, mà còn là cốt lõi của mạng lưới xã hội rộng lớn, góp phần xây dựng một cộng đồng vững mạnh và phát triển.
Ngày 24 tháng 6 năm 2021, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành chỉ thị số 06-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới. Nhằm đẩy mạnh công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Gia đình là một trong những nhân tố quan trọng quyết định sự phát triển bền vững đất nước. Gia đình là đối tượng tác động, thực hiện và thụ hưởng chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh là một trong những nội dung quan trọng, yêu cầu xuyên suốt của sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước.
Các hoạt động kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 nhằm tôn vinh giá trị truyền thống nhân văn sâu sắc của Gia đình Việt Nam, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các cấp, các ngành và toàn xã hội thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng gia đình hạnh phúc, bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp gia đình, dân tộc. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định số 874/QĐ-BVHTTDL về việc Ban hành Kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 năm 2023. Mục đích của Kế hoạch nhằm nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp và toàn xã hội về vị trí, vai trò của công tác gia đình đối với sự nghiệp phát triển đất nước; đồng thời thúc đẩy sự quan tâm của cộng đồng xã hội, nòng cốt là xây dựng văn hóa gia đình hướng tới xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc [2]
Tại tỉnh Tuyên Quang, sự coi trọng nền tảng gia đình của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức và toàn bộ xã hội đã góp phần mang lại kết quả to lớn trong việc xây dựng và phát triển gia đình theo hướng no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, bảo đảm trọn vẹn các quyền con người của mỗi thành viên trong gia đình. Mức sống của các gia đình đã tăng lên, đồng thời phúc lợi gia đình được đảm bảo tốt hơn cho tất cả mọi người. Sự tăng cường vai trò của phụ nữ và thúc đẩy bình đẳng giới đã góp phần gia tăng hạnh phúc gia đình, trong đó, vợ chồng chia sẻ công việc, cảm thông và quan tâm lẫn nhau. Tỷ lệ phụ nữ có vai trò, vị thế độc lập trong gia đình, xã hội luôn đạt mức cao trên cả nước. Chung thuỷ luôn là một tiêu chuẩn trong quan hệ vợ chồng. Vai trò và vị thế của con cái trong gia đình cũng đã tăng lên. Trẻ em được chú trọng phát triển toàn diện hơn. Xã hội cung cấp nhiều điều kiện hơn để chăm sóc cho người cao tuổi. Gia đình đóng vai trò quan trọng, không thể thay thế trong việc đảm bảo phúc lợi cho từng cá nhân.
Chúng ta phải nêu gương và vận động Nhân dân tích cực tham gia xây dựng gia đình hạnh phúc. Tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình gia đình văn hóa tiêu biểu, nền nếp, ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, vợ chồng hòa thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau. Đề cao vai trò của gia đình trong nuôi dưỡng, định hướng giá trị, giáo dục thế hệ trẻ.
1. Việt NamNet, Nguồn gốc và ý nghĩa ngày Gia đình Việt Nam, Đại đoàn kết, Cơ quan Trung ương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, 28/06/2017.
2. HP. Nhiều hoạt động kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, 04/2023.
Đỗ Hồng Thanh